Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

32. Câu chuyện bên bàn cờ (2)


Cu Bi ngày một mê cờ tướng. Hở ra một chút là cu cậu gạ gẫm ông đánh cờ. Bi đang nhăn trán suy nghĩ vì gặp nước bí thì cu em mới hai tuổi rưỡi chạy đến xin chơi chung:
- Cho em một miếng!
Cu Tý chỉ biết nói câu xin ăn, chưa biết xin cái khác nên hễ xin gì nó cũng “Cho em một miếng” như thế.
Cy Bi đang tập trung vào việc gỡ bí, gạt em sang một bên. Cu Tý bèn nổi máu côn đồ, chộp lấy một quân cờ, chạy vụt đi, ném quân cờ qua cửa sổ. Cu Bi tức lắm nhưng không dám đánh em, ngồi khóc rưng rức. Cu Tý liếc mắt không thấy ông ngoại bênh mình, biết lỗi, sợ sẽ bị người lớn đánh, cũng khóc oà lên, gào to hơn cả cu Bi.
Lão Hâm thấy hai cháu khóc, buồn cười quá, ngồi cười.

Bà chạy vào quát:
- Ông làm gì để các cháu khóc rồi ngồi cười một mình?
Bà ngoại ôm Tý vào lòng, dỗ nó nín. Lão Hâm cũng chạy đến nựng cu Tý. Cu Tý giận ông không bênh mình, bèn vẫy vẫy tay: “Bai bai ông ngoại!”. Đó là cách nó đuổi ông đi chỗ khác. Lão Hâm vẫn cứ bám theo hai bà cháu, bảo có ai làm gì đâu mà con khóc. Cu Tý: “Chúc ông ngoại ngủ ngon!”, ý là ông im đi, đừng nói nữa!
Lão Hâm quay lại ôm Bi vỗ về:
- Thằng Tý nó ném có mỗi mẩu gỗ thôi mà, con tiếc làm gì, để ông chạy ra sân tìm cái mẩu gỗ ấy cho. Nín đi nào, cháu yêu!
Cu Bi làu làu:
- Quân cờ của người ta mà ông bảo chỉ là mẩu gỗ. Để con đập vỡ đèn xe máy của ông rồi bảo đó chỉ là miếng nhựa xem ông có tức không?
Lão Hâm ra sân, một lúc sau tìm thấy con cờ mang vào cho Bi:
- Thôi con đừng đập vỡ đèn xe của ông nữa nhé!
Thằng bé bật cười. Đúng là trẻ con, khóc đó cười đó.
Lão Hâm nhường cho cu Bi thắng ván cờ, coi như đền bù phần nước mắt nó đã bỏ ra.
Thắng trận, cu Bi chia sẻ quan điểm với ông ngoại:
- Đúng là mỗi quân cờ chỉ là một mẩu gỗ, ông nhỉ?
Lão Hâm tranh thủ dạy cháu:
- Cháu có thấy là 32 quân, quân nào cũng to và nặng bằng nhau? Quân này được vẽ lên chữ “Tướng” thì nó là tướng, quân kia bị bôi lên chữ “Tốt” thì nó là tốt. Khác nhau ở cái chức vụ, còn thì đều là mẩu gỗ như nhau hết?
Cu Bi trầm ngâm suy nghĩ, so sánh ông tổ trưởng dân phố và bố nó. Tạm coi là họ như nhau, nhưng nó vẫn nghĩ là bố nó giỏi hơn và đẹp trai hơn ông tổ trưởng dân phố.

Ở phòng bên cạnh, bà ngoại nghe hai ông cháu nói chuyện, vội chạy sang, lại quát:
- Ơ hay nhỉ? Ông không dạy cháu chịu khó học hành tu dưỡng phấn đấu, có bằng cấp cao, có vị trí xứng đáng để đóng góp cho đời, vinh hạnh cho gia đình mà lại dạy cháu “tướng” với “tốt” đều là cá mè một lứa?!
Lão Hâm cãi:
- Tôi chưa kịp nói đến phần sau thì bà đã vội chen ngang. Tôi định nói là mọi quân cờ đều như nhau, mọi con người trong xã hội cũng đều có giá trị và đều được tôn trọng như nhau. Và tôi còn định nói tiếp nữa là ta chẳng thà làm con tốt mà gỗ cứng còn hơn làm con tướng mà gỗ mọt! Việc đầu tiên con người phải làm là phấn đấu để mình luôn là một mẩu gỗ cứng chứ không phải cố bôi lên mình chữ “Tướng” hay chữ “Sỹ”.
Mụ vợ suỵt một cái rõ to:
- Thế thì được, tôi nhất trí là làm con gì cũng được, chỉ xin không hâm.

1 nhận xét:

  1. NGỌC PHƯƠNG NAM. Lão Hâm Phan Chí Thắng có lối viết thật nhẹ nhàng mà sâu sắc. Khách đến thăm thường học được một điều gì đó qua những mẫu chuyện rất đời thường của lão. Tôi hay ghé thăm anh nhưng ít khi để lại cảm nhận. Có hôm tôi tần ngần trước bức họa xe pháo mã biết anh nhớ mình định cảm nhận nhưng lại thôi. Tôi thích ủ chín cảm xúc để viết được những điều mình muốn nói mà không bị áp lực của sư thăm hỏi xã giao thuần túy. Câu chuyện bên bàn cờ của anh thực ra không lạ nhưng là lối viết có hồn và thông điệp gửi đến người đọc rất rõ ràng. Ông bà chúng ta vẫn thường nói: “Tốt gỗ hơn tốt nươc sơn” . Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được tôn vinh anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam, vị danh tướng thiên tài quân sư cũng đã nói đại ý: Ông thực hiện tốt trọng trách của mình cũng ví như một người lính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên chiến trường . Câu chuyện bên bàn cờ thật thấm thía… Tôi chọn hình anh trong Lộc xuân (anh Thắng đứng đầu bên phải) và bức tranh Sông thu trên trang blog của anh làm phong cảnh cho bài viét này. “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo… “. Lão Hâm đang vui cùng Nguyễn Khuyến chăng?

    Trả lờiXóa