Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

20. Lưu Bình Dương Lễ


Trong ngõ nhà lão Hâm có hai ông bạn chơi thân với nhau. Một ông là Dương Lễ, ông kia là Lưu Bình. Họ thân nhau lắm, thân từ thủơ còn đi chăn trâu, bắt cá, lội đồng.
Họ trưởng thành, hiện mỗi ông làm sếp một cơ quan khá to.
Cơ quan quy định, à quên, sếp quy định, là không nhận con em lãnh đạo vào biên chế. Đó là một cách đảm bảo để các sếp không cài cắm các cô chiêu cậu ấm vào hưởng lộc dưới mái che của bố mẹ và cũng là để khẳng định các sếp vô cùng trong sáng, không ăn cây nào rào chặt cây nấy, chỉ một lòng một dạ lo xây dựng cơ quan vững mạnh (bây giờ người ta hay dùng cụm từ phát triển bền vững) bằng cách bổ sung lực lượng kế cận từ bên ngoài được tuyển chọn một cách khắt khe, công khai và rất chi là công bằng.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

19. Người mê nước giải



Mỗi người thường có một thú đam mê nào đó, tiếng Anh gọi là hobby. Ông Viện trưởng một viện nghiên cứu sống trong ngõ nhỏ, có cái nhà nho nhỏ và miếng vườn cũng nho nhỏ. Ông này trồng một ít chậu hoa, một ít cây cảnh và mươi giò phong lan.
Vì mê trồng cây nên ông rất mê nước giải.
Ông mê nước giải kiểu khác, không giống như mấy chục năm trước ở Việt nam rộ lên phong trào uống nước giải chữa bách bệnh. Cán bộ cao cấp trung cấp rủ nhau uống. Nhà thơ nhà văn thi nhau uống. Các bậc trí thức tranh nhau uống (quần chúng nhân dân hình như không uống). Cái đó được gọi là niệu liệu pháp, nói nôm na là uống hết tất cả số nước do cơ thể bạn thải ra qua đường tiết niệu, nếu uống thêm được của người khác nữa thì càng tốt.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

18. Mụ Đuôm



Mụ này có cái tên lạ đời và mụ cũng có cuộc đời không giống ai.
Đi thanh niên xung phong về, bố mẹ chết hết, mụ xin làm công nhân cho một xí nghiệp, nuôi thằng em ăn học. Đến khi thằng em có vợ thì nó đuổi chị ra khỏi nhà. Nhà này của tao, nó bảo thế.
Mụ xin vào ở tập thể, được vài năm thì bị cho thôi việc và tất nhiên là cho thôi ở tập thể.
Lý do sâu xa bị thôi việc là do mụ không đáp ứng yêu cầu của trưởng phòng tổ chức. Mụ này dại, yêu cầu có gì là quá đáng và quá sức đâu. Đó là một hôm mát trời, đang làm ca đêm thì ông trưởng phòng tổ chức gọi mụ lên phòng trao đổi công việc. Công việc là ông ấy véo khẽ một cái vào hông mụ, cười nham nhở những cái răng ám khói thuốc lào: "Cho anh gửi một đứa nhé?"

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

17. Lá bồ đề đất Phật



Sếp đi công tác Ấn độ về.
Sếp đi đâu thì cũng là đi công tác, mọi chi phí cho chuyến đi, kể cả những chuyến đi việc riêng, được phòng Tài chính kế toán khéo léo phân bổ vào các khoản hành chính phí, quản lý phí, quảng cáo phí, hoặc quỹ nghiên cứu sản phẩm mới của Tổng Công ty. Ở ta, phần lương công khai của các sếp không đáng là bao nhiêu, dẫu đã hơn cả chục lần lương người lao động. Các sếp vẫn thường kêu ca là lương lãnh đạo quá thấp, họ giả vờ quên các khoản thu nhập không tên và các khoản chi khổng lồ cho các chuyến đi công tác giải quyết nhu cầu cá nhân của các vị ấy. Nếu tính cả việc vài năm thay xe hơi sang trọng một lần thì có ông phóng viên nọ tính ra rằng cứ vài năm sếp lại nướng vài trăm tấn thóc vào cái salon di động một lần.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

16. Kẻ sỹ



Bốn ông bạn thân từ thời chiến tranh biên giới bây giờ mỗi người lập nghiệp một nơi, nhân dịp cùng có mặt ở Hà nội, bấm di động hẹn nhau ra quán bia Ngọc Hà hội ngộ vườn đào.
Ông giám đốc Công ty tư nhân đã đặt trước phòng VIP đóng kín, có máy lạnh và các em chân dài bưng bê và bật bia phục vụ, đến giờ chỉ việc xuống xe, lững thững đi vào nhà hàng quen thuộc.
Ông vụ trưởng đi xe công đến, rồi cho lái xe về trước.
Ông nhà báo tự lái xe riêng. Loay hoay đánh lui đánh tới cất xe. Nhà báo hay phải đi công tác, có xe hơi thật tiện.
Ông giáo sư đi xe ôm. Giáo sư là bậc trí thức, nên đi xe ôm cho an toàn.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

15. Quỹ chị dâu



Cường là người hy sinh sớm nhất trong số con trai lớp C ra trận. Nó nhập ngũ năm 1963, năm 1969 gia đình nhận được giấy báo tử. Bốn mươi năm sau mấy đứa em mới tìm ra hài cốt ông anh sau nhiều chuyến lặn lội tìm kiếm khắp miền Tây Nam bộ.
Đưa được hài cốt Cường về chôn ở nghĩa trang Hà nội, nơi có hai người bạn cùng lớp đã nằm từ trước, gia đình tổ chức làm cơm cúng, mời họ hàng và bạn bè đến chia vui - niềm vui từ nay linh hồn Cường sẽ an nghỉ nơi anh sinh ra và lớn lên, trong nhang khói và tình thương của họ hàng thân thuộc.

14. Một giờ dạy học của Khổng tử


Khổng tử thường đưa học trò đi các nơi như kiểu du lịch sinh thái, vừa đi vừa dạy bằng cách trò chuyện với học trò. Các giáo án từ trên đưa xuống tỏ ra quá giáo điều và khô cứng nên ông không dùng. Mà ông cũng không bao giờ chuẩn bị giáo án. Ông phó mặc cho trí tuệ và cảm hứng dẫn dắt.

Vào một ngày đầu thu mát mẻ, ông đưa mấy người học trò ra vườn trúc. Những khóm trúc xanh nằm giữa bãi cỏ xanh. Xa xa có con suối róc rách, bên kia con suối là đồi chè xanh, vài ba thiếu nữ đang khom lưng hái chè.

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

13. Khổ á!


Lão Bẹp là bộ đội về hưu. Căn cứ cái áo lão mặc khi đứng bơm xe đầu ngõ thì có thể đoán là lão từng là sĩ quan. Cái áo cũ, cái mũ cũng cũ như chính lão. Ừ ai già mà chẳng cũ. Song cái cũ của lão lại cộng thêm cái gầy guộc, trông rất thảm hại. Khi lão đứng bơm xe, hai cái ống chân và cái ống bơm to bằng nhau, chỉ có điều là cái ống bơm thì thẳng còn hai ống chân lão thì cong, tôn vinh hai cái đầu gối có vẻ như to quá mức cần thiết.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

12. Tàu ra biển lớn


Đường trong ngõ nhà lão Hâm đã được bê tông hóa mấy năm nay. Căn cứ con đường này, lão Hâm đưa ra một định nghĩa bê tông hóa đường sá nói riêng và đô thị hoá nói chung là một quá trình từ nghiền đá và đất sét làm clinke rồi nung clinke thành xi măng, chuyển số xi măng đó về đô thị, trộn với cát sỏi đổ ra đường hoặc xây nhà. Tóm lại là mang đất đá ở nông thôn về thành thị, ai muốn đổ kiểu gì tuỳ thích.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

11. Tớ chưa say!


Thằng Vạn nói với thằng Triệu:
- Cha Hâm say rồi, đừng ép ông ấy uống nữa.
Hâm chính là tớ. Tớ chưa say vì tớ nghe rõ mồn một thằng Vạn nói câu trên. Làm sao mà say được, tớ mới uống có dăm ly. Dăm ly thì làm sao say? Rõ ràng tớ chưa say vì tớ còn nhớ tớ là Hâm - Trưởng phòng Hành chính.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Đội cái giả vờ!


Tại Việt Nam, sau nhiều tranh luận sôi nổi, từ ngày 15 tháng 12 năm 2007 việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô xe máy trên mọi tuyến đường đã trở thành bắt buộc theo luật định.
Với một quốc gia mà:
- Xe hai bánh vẫn là phương tiện giao thông phổ biến,
- Phương tiện này lại cùng tham gia lẫn lộn với các loại phương tiện khác trên cùng một làn đường,
- Ý thức tuân thủ luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông vô cùng kém,

thì việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm là hoàn toàn đúng đắn.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Nhà báo, việc gì phải ngượng?

Với lòng tự trọng của một nhà báo, Kim Oanh có bài viết "Nhà báo nên biết ngượng" (http://hoalucbinh.vnweblogs.com/post/4223/320661#comments)
chỉ ra cách làm thiếu lòng tự trọng của người những viết báo và các Ban  biên tập của họ.
Hôm nay tôi đọc bài "Thứ trưởng Bộ Y tế khai gian học vị tiến sĩ" trên vnexpress.net (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/09/thu-truong-bo-y-te-khai-gian-hoc-vi-tien-si/)
Tôi thấy cái đáng ngượng của mấy vị nhà báo chả bõ bèn gì so với cái đáng ngượng của của vị lãnh đạo cao cấp kia.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

10. Thơ Cành Cạch!


Trần là họ của nhà thơ, Cành Cạch là ông ta thêm vào để tạo ra bút danh ấn tượng. Mở trang thơ của tờ báo nào đó, độc giả chắc chắn sẽ bị thôi miên ngay lập tức bởi cái tên Cành Cạch độc đáo, có một không hai kia.
Lượng người đọc nhiều, nhà thơ trở nên nổi tiếng. Danh tiếng của nhà thơ được đong đếm bằng lượng người đọc, điều này đơn giản như chân lý, không ai có thể bàn cãi.

9. Gay!


Sát tường nhà lão Hâm là nhà ông ủy ban. Ông này mới mua đất làm nhà hơn một năm nay.
Ở ta phong trào chống tham nhũng cực mạnh, lâu lâu lại có một tên tham nhũng bị đưa ra tòa, báo chí làm rộn ràng ồn ã, tên này bị nhốt tù vài năm rồi nhờ cải tạo tốt nên được ân xá trước thời hạn, nhường chỗ cho tên khác vào ngồi đỡ vài năm. Bọn tham nhũng vào tù rồi thì còn đâu cơ hội tham nhũng tiếp, đương nhiên là tiến bộ so với khi chưa vào tù?

8. Chiếc đồng hồ trong túi xách

  Cách đây hai mươi năm, giống hệt các vị công chức quèn khác, lão Hâm hay xách cái túi giả da đi làm, đựng giấy tờ tài liệu và cả cái cặp lồng cơm trong đó. Nhiều lần đi hội họp, lão được tặng những cái túi khác đẹp hơn, cái thì lão dùng, cái thì đem cho lại người khác. Mấy cái túi cũ lão vứt lăn lóc dưới gầm cầu thang.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết, lão moi những thứ đồ cũ ra xem cái nào cho ai được thì cho, cái nào vứt đi thì vứt cho khỏi chật nhà.

7. Thử AND

  Càng lớn thằng Lợi càng không giống bố. Nhiều người xì xào và Quân cũng biết thế. Thằng bé chín tuổi mảnh dẻ thanh tú, khác hẳn với ông bố thô tháp to cao, chưa kể cái mặt thằng Lợi không có lấy một nét nào giống Quân.
Mười năm trước Quân được Tổng Công ty biệt phái tăng cường cho một xí nghiệp mới đi vào hoạt động ở Lai Châu, vài tháng mới về Hà nội một lần. Dung - vợ Quân một mình nuôi đứa con gái đang học mẫu giáo và chăm lo cung phụng bố mẹ chồng, ông thương binh chống Pháp và bà già về hưu mất sức.

6. Bức thư tình cuối cùng

Ông Chân chết sau sáu tháng đau ốm được con cháu thuốc thang chăm sóc chu đáo. Đã chín mươi lăm tuổi, ông chết cái chết tự nhiên của người sống khỏe mạnh và tử tế. Anh con cả đại tá xin nghỉ hưu sớm để chăm sóc bố, gần như hai tư trên hai tư giờ anh kề cận bên người cha kính yêu của mình, vừa để trả ơn sinh thành dạy dỗ, vừa muốn được nghe những lời tâm sự hoặc căn dặn cuối đời của ông già.
Trong thời gian ông vật lộn với bệnh tật, có một bà già chín mươi bảy tuổi người héo quắt bé như đứa trẻ mười ba được thằng cháu nội lái xe đưa đến thăm ông. Anh con trai cả của ông Chân đã rất ngạc nhiên khi thấy ông Chân ngồi dậy được, đôi mắt mờ đục như sáng ra, nhìn bà chăm chăm. Hai người nói chuyện khá lâu, anh Cả tế nhị rút sang phòng bên cạnh.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

5. Nỗi buồn trung du


11g30. Sếp gọi điện nhờ lão Hâm lên Phú Thọ viếng đám ma bố vợ một vị đối tác. Lão về hưu rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn phải làm một vài việc mang tính chất "quan hệ cộng đồng" như thế. Giọng sếp nhẹ nhàng nhưng không chừa chỗ cho sự từ chối:
- Em đã nói Văn phòng lo vòng hoa và phong bì rồi, 20 phút nữa xe sẽ qua đón anh.
Vội vàng mặc bộ quần áo tạm gọi là nghiêm chỉnh, nhét vội cái bánh mì vào dạ dày, lão Hâm ra đầu ngõ chờ xe. Hà nội cả tháng trời nóng, mấy hôm nay mưa liu riu, đường sá nhớp nháp và và lòng nguời trở nên hiu hiu buồn. Nhiều khi có cái buồn vô cớ, buồn không giải thích được là vì sao.

4. Con vẹt hát


Vào đận dịch cúm H5N1 bùng phát, thành phố cấm nuôi gà nuôi chim. Đúng nửa đêm, ông bạn của lão Hâm ăn mặc như trá hình, bí mật mang cái lồng chim phủ vải kín mít đến nhà lão Hâm:
- Ông ở ngoại thành, chính quyền không làm gắt lắm, ông nuôi giúp tôi con vẹt này mấy tháng.
Lão Hâm biết ông bạn rất quý con vẹt, có thể nói quý hơn tất cả những gì hắn có trên đời, nên nhận lời tiếp tay cho kẻ vi phạm pháp luật.  Mà con vẹt này cũng thuộc loại siêu, biết nói những câu rất quý tộc bằng tiếng Việt: "Nhà có khách" và cả bằng tiếng Anh: "Thank you", "I love You!"

3. Khoan cắt bê tông


Cách nhà lão Hâm không đầy một trăm mét là nhà của Xuân - người làm nghề khoan cắt bê tông. Người ta hay quen miệng gọi Xuân là Khoan cắt.
 Khoan cắt làm công nhân cho một xí nghiệp, lương thấp quá, hắn bỏ ra làm ngoài. Hễ cứ có ai gọi là hai bố con Khoan cắt chở nhau đi, cùng với bộ đồ nghề nặng chĩu máy khoan, máy cắt, dùi đục các loại.
Khi rỗi việc thì hai bố con chở nhau đi làm tiếp thị. Với tấm mi ca đã khoét chữ và một bình xịt màu, thấy có chỗ tường trắng nào là dừng lại, không đầy một phút đã trao tặng xong cho bức tường kia một hàng chữ đậm nét "Khoan cắt bê tông 09050505050".

2. Cái quạt của thằng Bờm


Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu...
Ngõ nhà lão Hâm có rất nhiều Bờm. Bờm là thành phần cơ bản trong xã hội, là số đông dân cư và là lực lượng phát triển của cái ngõ nhỏ ngoằn ngoèo đi lên từ một khoảnh ruộng cách đây mấy chục năm để nay trở thành cụm dân cư hơn hai trăm hộ dân.

1. Cái sần sật


Hồi này lão Hâm lười ra phố, có việc gì thật cần thiết lão mới dắt con xe ghẻ phành phạch một vòng, xong rồi vội vàng phành phạch chạy về nhà, chui qua cái ngõ hẹp và ngoằn ngoèo đến mức mỗi lần đi qua được lão đều cảm thấy sung sướng tự hào rằng mình là một tay lái lụa.
Tiêu chuẩn để mua đất làm nhà hiện nay là phải có đường cho xe hơi vào tận cổng. Lão không có đủ tiền để mơ mòng về miếng đất mặt tiền, cho dù là mặt tiền trong ngõ rộng. Lão tự an ủi rằng từ nay cho đến khi không còn cần đến phương tiện cơ giới nữa lão cũng chả làm sao sắm được xe hơi, thì dù có cái ngõ to cũng chẳng để làm gì. "Không cần đến phương tiện cơ giới" là cách lão nói tới lúc "hết cần thở khí trời".

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Tết 2021


Mấy ngày giáp tết trời đẹp, không gió không mưa không lạnh không nóng. Cụ Hâm chống gậy ra ngõ hít thở không khí tết. Tuy đã U80 nhưng mắt cụ còn sáng (đã thay thuỷ tinh thể), tai cụ còn nghe được (đeo máy trợ thính) và ba chân như một (hai chân và một cái gậy).
Hà Nội dẹp gần xong các khu phố không ra phố làng không ra làng, còn sót lại vài dăm chỗ như ngõ nhà cụ Hâm là chưa đập đi xây mới.

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Lão Hâm ghét ông Nguyễn Trọng Tạo

Lão Hâm ghét ông Nguyễn Trọng Tạo?
Đó là chuyện có thật, không hề đùa một chút nào.
Nhưng mỗi ngày lão chỉ ghét có 5 phút. Ngày nào cũng như ngày nào, vào đúng 6g00, khi người ta còn đang úp mặt vào gối ngủ say sau một ngày và một đêm vất vả (vất vả vì cái gì là tùy người) thì y như rằng cái loa của tổ dân phố bật lên oang oang:
"Qua nửa đời phiêu dạt..."

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Bóng đá Việt nam, hãy cảnh giác!


Tôi yêu bóng đá và đương nhiên là tôi yêu bóng đá nước mình nhất. Vì tôi là người Việt nam, giống như hàng chục triệu người Việt nam khác là tín đồ của môn túc cầu.
Vậy mà từ lâu lắm rồi, dễ cả vài chục năm nay, tôi không ra sân xem bóng đá nội, trừ một vài trận đội tuyển Việt nam tiếp khách nước ngoài. Tôi dùng hai từ "tiếp khách", mong bạn đọc hiểu tôi ngụ ý gì.
Với tư cách một trò chơi, bóng đá là một môn trình diễn. Đối với môn trình diễn thì thước đo thành tựu của nó chính là số lượng người xem. Số lượng người xem ngày càng giảm, chỉ còn bình quân dăm ngàn người trên một trận đấu, nói lên chất lượng cuộc chơi bây giờ xuống đến mức dở hơi.


Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Chùm truyện ngụ ngôn "Chạy"


"Ốc - vô địch chạy thi!"
Được biết là rùa chạy thi với thỏ và rùa đã thắng, chú ốc sên bò lên cây, giương đôi mắt như đôi cần ăng ten của mình dõi tìm thỏ. Thỏ đang tung tăng chạy trên bãi cỏ, đôi mắt tròn xoe và đôi tai vểnh dài.
Ốc gọi:
- Thỏ ơi, có phải thỏ chạy nhanh hơn rùa nhưng khi thi thì thỏ lại thua rùa?
- Vâng ạ, con thỏ hồn nhiên trả lời.


Thăm cụ Tiên Điền



Cách đây hơn hai tháng, biết tính lão Hâm thích ngao du vì cung Thiên di trong lá số Tử Vi của lão có Hỉ Thần vượng địa, ông bạn nhà thơ rủ lão Hâm đi Hà Tĩnh chơi vài ngày. "Chơi thôi, nhân tiện rẽ vào thắp hương cụ Nguyễn Du" - ông bạn giải thích thế.