Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

1. Cái sần sật


Hồi này lão Hâm lười ra phố, có việc gì thật cần thiết lão mới dắt con xe ghẻ phành phạch một vòng, xong rồi vội vàng phành phạch chạy về nhà, chui qua cái ngõ hẹp và ngoằn ngoèo đến mức mỗi lần đi qua được lão đều cảm thấy sung sướng tự hào rằng mình là một tay lái lụa.
Tiêu chuẩn để mua đất làm nhà hiện nay là phải có đường cho xe hơi vào tận cổng. Lão không có đủ tiền để mơ mòng về miếng đất mặt tiền, cho dù là mặt tiền trong ngõ rộng. Lão tự an ủi rằng từ nay cho đến khi không còn cần đến phương tiện cơ giới nữa lão cũng chả làm sao sắm được xe hơi, thì dù có cái ngõ to cũng chẳng để làm gì. "Không cần đến phương tiện cơ giới" là cách lão nói tới lúc "hết cần thở khí trời".

Sáng nay lão có việc phải ra phố. Điều làm lão ngạc nhiên là trong ngõ có hai chỗ người ta mới làm mấy cái sần sật. Lão không biết thuật ngữ khoa học cũng như tên gọi chính thống của mấy cái gân cắt ngang đường kia là gì, nên lão đành mượn cách gọi của thằng cu cháu khi lần đầu tiên lão chở cháu đi chơi, qua mấy cái con trạch do Sở Giao thông Công chính mới cho làm ngang đường, hai ông cháu nẩy tưng tưng, thằng bé liền gọi  đó là mấy cái sần sật. Nó khoái chí mỗi khi xe chạy qua khu vực sần sật, coi như một thứ trò vui.
Ở nước ngoài, đường của họ phẳng quá, nhẵn quá, xe chạy êm ru. Để cảnh báo lái xe là sắp đến chỗ cần giảm tốc độ, người ta làm ra mấy cái sần sật để lái xe buộc phải giảm ga. Lão đã được chú em họ giải thích như thế năm 1987, khi chú em lái xe đưa lão đi tham quan Berlin. Và nó bảo người la gọi cái đó là “Sleeping Police”
Ở Hà Nội có mấy chỗ đường phẳng đâu. Không có ổ gà thì ổ heo, nhiều đoạn đường đang yên đang lành người ta lại đào lên, đặt các loại ống ngầm gì đó, rồi ba xoa hai đập phủ lại giống y như học sinh lớp một tập làm thủ công, trông giống cái mương nhỏ nằm dọc theo phố. Ở trước mỗi ngã tư đều có một vệt ngang đường là di chứng của việc đào đường đặt cáp điều khiển tín hiệu đèn xanh đèn đỏ. Đi chỗ nào cũng sần sật, đến trước ngã tư cũng đã sần sật, việc quái gì phải bỏ tiền ra làm thêm mấy cái sần sật nữa cho rách việc?
Qua chỗ sần sật trong ngõ hẹp, xe lão Hâm rung lên bần bật, các bộ phận trong cơ thể lão cũng bần bật rung theo. Nhờ thế mà lão phát hiện ra có một vài bộ phận của lão vẫn còn tồn tại.
Có lẽ đó là tác dụng duy nhất của cái sần sật trong ngõ nhà lão.
Và rồi lão dồn sự chú ý đặc biệt vào cái sần sật.
Chúng ta mất công tạo ra cái sần sật trên đường phố.
Chúng ta có nhiều cái sần sật trong hệ thống hành chính. Đi đâu, liên hệ xin xỏ cái gì đều bị rất nhiều cái sần sật làm điên đảo cả người. Đến nỗi người ta giải thích tên gọi hệ thống đó là hành là chính.
Trong giao tiếp thường ngày, chúng ta không có thói quen tôn trọng người đối thoại. Chúng ta tạo ra rất nhiều cái sần sật đáng ra không nên có. Một câu nói vô duyên. Một lời chê bai thiếu tế nhị. Một kiểu sàm sỡ tiểu thị dân. Một cách nói làm đau lòng người nghe…
Bao giờ mới hết được những cái sần sật trong đời sống và trong xã hội?
Lão Hâm chưa tìm ra câu trả lời.
Thay vì yên tâm chờ đợi đến cái ngày tươi đẹp khi không còn những thứ sần sật khó chịu đó nữa, lão Hâm mua chục cân xi măng, rình lúc nửa đêm không ai đi qua ngõ trước mặt nhà lão, ngồi đắp cẩn thận ba hàng con trạch xinh xắn.
Kể từ nay bọn sinh viên thuê nhà ở cuối ngõ sẽ không thể nào phóng nhanh qua cổng nhà lão được nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét