Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

22. Nhà cụ hàng dưa



Lão Hâm mê dưa cải và cà muối nhà cụ Lụa. Dưa cụ muối kiểu gì mà luôn vàng và thơm, xen mấy cọng hành trắng nõn, ăn rất tốn cơm. Với mỗi mấy thìa nước dưa muối chan lão Hâm cũng có thể đánh bay vài bát cơm nguội. Cà muối thì dòn, không đâu có.
Cứ vài ngày là lão Hâm lại ra quán cụ Lụa mua dưa. Căn nhà khoảng mười hai mét vuông, vừa là chỗ ở, vừa là nơi bán hàng. Bà cụ đã ngoài chín mươi tuổi, hàm răng nhuộm đen còn đều tăm tắp. Lưng bà thẳng, vai nhỏ tròn và đặc biệt là nụ cười luôn mang lại một cái gì đó ấm áp và tin cậy cho người đối diện.
Mặc dầu nghiện dưa cụ Lụa, lão Hâm vẫn khuyên cụ đã già rồi, bán dưa lời lãi chả bao nhiêu, cụ làm làm gì cho vất vả. Cụ cười bảo làm cho vui tay vui chân, mới lại ngoài muối dưa muối cà cụ chả biết làm việc gì khác. Các bác còn biết đọc sách, bàn luận thế sự, bôn ba thiên hạ chứ tôi thì có mỗi cái tài là muối dưa - cụ lại cười, khoe hàm răng đen nhánh.

Người ta thích ăn dưa cụ Lụa, cứ đòi cụ muối nhiều thêm, cụ vẫn chỉ muối mỗi ngày một vại nhỏ, bán loáng cái là hết. Riêng lão Hâm thì được cụ để phần, cho dưa vào túi nilon buộc dây chun thật kỹ, cất vào một góc tủ lạnh.
Có lần lão Hâm tán bà cụ:
-  Cụ ơi, cháu nghe đồn ngày xưa cụ đẹp nổi tiếng vùng Gia Lâm, có đúng thế không ạ?
-  Đúng, đúng. Sao bác biết?
Khác với những người đàn bà đẹp thường hay trả lời theo kiểu: "Em đâu có đẹp?" hay "Anh nói quá lời!", bà cụ nhận ngay là mình rất đẹp, hình như đó là điều đương nhiên, khỏi cần bàn cãi.
- Bác biết không, tôi sinh ra cùng năm với cách mạng tháng Mười Nga đấy. Thế mà tôi sống dai hơn Liên Xô...
Bà cụ cười hóm hỉnh rồi thư thả kể chuyện đời mình cho lão Hâm nghe.
Hồi đó cụ chỉ được bố mẹ cho đi học vài năm, gọi là để biết chữ, con gái học làm gì cho lắm. Mà đúng là không nên để một cô thiếu nữ áo dài phất phơ trên phố cuốn theo bao nhiêu là chàng trai xây mộng ảo. Mười bảy tuổi cụ lấy chồng. Bố mẹ gả cho con trai một nhà trí thức trên phố Hàng Bạc. Cụ bảo ngày trước không có yêu đương như bây giờ - cụ lại cười - bố mẹ bảo lấy ai thì lấy.
Cưới được ba năm thì cụ sinh cô con gái. Con gái chưa được một tuổi thì chồng cụ bị Pháp bắt, hết bị giam ở nhà lao Hoả Lò rồi Sơn La. Pháp nói cụ ông làm chính trị. Nó xử ông mười năm tù.
Cụ Lụa nuôi con chờ chồng. Chưa được mười năm thì được tin ông chồng chết trong tù.
Người đàn bà đẹp nổi tiếng một thời và cũng đang đẹp mặn mà chịu ở vậy nuôi con, sống bằng nghề muối dưa muối cà, không dám ra chợ, sợ đàn ông chốn chợ búa quấy nhiễu.
Hòa bình năm 1954, rồi Chính phủ về tiếp quản thủ đô. Mấy người bạn cũ của chồng cụ nay làm to, họ xác nhận cụ và con gái là gia đình liệt sỹ cách mạng. Cô con gái được sang Trung Quốc học văn công. Con gái cụ đẹp, thời đó đẹp đi liền với văn công.
Năm 1965 cụ Lụa lại một lần nữa nuôi con nhỏ. Lần này là đứa cháu ngoại gái. Bố mẹ nó xung phong đi chiến trường, gửi con lại cho bà. Bố mẹ nó không về, chỉ có hai cái bằng liệt sỹ là về treo trên tường.
Đứa cháu gái lớn lên xinh xắn và đảm đang. Bà cụ Lụa cố gắng, cháu bà cũng cố gắng. Nó thi đỗ vào đại học và tốt nghiệp ra trường loại xuất sắc. Bà Lụa vui lắm, đời bà được sống đến ngày hôm nay, được nhìn thấy cháu ngoại mình trưởng thành học hành giỏi giang là bà mãn nguyện lắm rồi.
Đùng một cái cháu bà bị gạt ra khỏi biên chế ngay đợt giảm biên đầu tiên năm 1987. Nó không được lãnh đạo ưa vì nó chỉ giỏi chuyên môn, theo cách nói thời đó là nó chỉ mới có "chuyên", chưa có "hồng".
Bà Lụa tức quá, làu bàu: "Ở cái đất nước này, thử hỏi có ai hồng hơn nhà này hay không?"
Làu bàu thế thôi chứ con kiến mà kiện củ khoai?
Cô cháu gái trao đứa con gái ba tuổi của mình cho cụ Lụa, sau khi đã quỳ xuống lạy cụ đủ ba lạy:
- Bà ơi con xin bà tha tội cho con, con không ở bên cạnh bà để hầu hạ bà lúc về già được, con đã làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Đức rồi bà ạ.
Cô kỹ sư giỏi phải khai man là công nhân để được lọt vào danh sách công nhân xuất khẩu lao động.
Cụ Lụa lại muối dưa, muối cà nuôi chắt lớn dần lên. Trời cho cụ sức khoẻ, cháu gái từ Đức thì đều đặn gửi tiền về nuôi hai cụ cháu.
x
x   x
Lão Hâm đang ngồi rả rích trò chuyện với cụ Lụa thì hai mẹ con Dương ào vào như một cơn gió - cơn gió trong lành dịu mát. Chiếc quần jean màu trắng khéo léo tôn đôi chân thon dài, chiếc áo lửng màu đen ôm khít khuôn ngực đầy đặn của cô gái một con và đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt trong sáng đến mức bí ẩn, luôn nhìn thẳng vào người đối diện. Dương nhắc con: "Giấy chào cụ đi nào!". Cô bé ba tuổi xinh như búp bê vòng tay:
- Giấy chào cụ ạ!
- Thế còn ai đây nữa? Mẹ cô bé lại nhắc.
- Cháu chào lão Hâm!
Bà cụ Lụa mắng yêu đứa bé sao lại gọi ông là lão Hâm, mẹ Dương đỡ lời là thiên hạ gọi thế cả mà. Lão Hâm hỏi làm sao bé Giấy biết lão chính là lão Hâm, cô bé trả lời không chút suy nghĩ:
- Cháu thấy ảnh lão trên blog nhiều rồi, mẹ cháu cho xem.
Dương vừa nói chuyện vừa chất đồ vào tủ lạnh. Cứ dăm hôm nó lại mua một đống thức ăn mang đến cho cụ.
Nói chuyện được mươi phút, hai mẹ con Dương lại chạy ào đi y như lúc đến. Khi đã ngồi trên xe Spacy rồi, cả hai giơ tay vẫy vẫy: "Chào lão Hâm nhé!"
Bà cụ Lụa như hiểu điều lão Hâm đang thắc mắc, nói luôn là con Dương này độc đáo lắm. Học xong lớp mười hai, nó bỏ không thi đại học. Đến kỳ thi đại học, nó ở ngoài làm bài ném vào trong cho bạn bè, riêng nó dứt khoát không thi. Cụ Lụa van lạy nó kiểu gì nó cũng không chịu, nó cứ giữ nguyên cái lý: "Đại học ở ta không dạy cách làm ra tiền!"
Dương theo học một khóa tài chính kế toán, một khóa dạy nghề giám đốc và một khoá tiếng Anh, toàn tự bỏ tiền ra để mua chữ nên chữ nào chữ nấy chắc nịch. Xong rồi mở công ty riêng, tự mình làm giám đốc luôn. Một chuyện nữa cũng khá hi hữu là nó không lấy chồng, dứt khoát không chịu làm nô lệ cho bất kỳ một thằng đàn ông nào mà nó phải gọi là chồng. Nó thoả thuận với một thằng bạn trai mà nó thích là hai đứa sẽ có một đứa con, có con rồi thì nó nuôi và đường ai nấy đi, không tơ vương gì nữa.
Nó rất bận rộn nhưng không thuê ô-xin, nó muốn tự mình chăm sóc nuôi dạy con.
Nghe kể về Dương, lão Hâm thấy nhân vật này khá thú vị, lão bắt đầu quan tâm đến cô Dương này.
Vài ngày sau lão nhận được cú điện thoại:
- Chào lão Hâm, cháu Dương đây. Cháu có đoàn đối tác nước ngoài, cháu dự định đưa đoàn ra Hạ Long nghỉ và đàm phán luôn ở đó. Lão có thể đi Hạ Long dịch giúp cháu ba ngày? Làm việc không kể giờ giấc, thù lao là một trăm đô la một ngày.
Dương nói thẳng tưng, không rào đón. Thế hệ trẻ là thế. Lão đồng ý.
Bắt tay vào làm việc rồi lão Hâm mới hiểu là tiền nào của nấy, hai bên đàm phán rất căng thẳng, tranh luận từng điểm một rất chi li và làm việc không tính thời gian. Duy có một điều là lão không hiểu: vì sao Dương mời lão làm phiên dịch trong lĩnh vực hoá chất, một lĩnh vực rất xa lạ với lão?
Ăn cơm tối xong, lại đàm phán, đến khoảng hơn mười giờ thì chia tay nhau hẹn ngày mai bàn tiếp. Dương nói khẽ vào tai lão Hâm:
- Lão đi dạo với cháu nhé?
Dương vận bộ đồ thể thao, thân hình đẹp và cân đối như người mẫu. Được đi cạnh người như Dương, lão Hâm thấy mình có giá hơn lên.
- Lão biết vì sao cháu nhờ lão dịch rồi chứ?
- Chưa biết. Thiếu gì chuyên gia trong ngành hoá chất mà cháu không nhờ?
- Chính vì lão không phải là chuyên gia trong ngành hoá chất nên cháu mới nhờ. Dương mỉm cười tinh quái.
À ra thế, vì lão Hâm không quen ai bên ngành hoá nên khả năng lộ bí mật kinh doanh sẽ được giảm thiểu. Cô bé này ghê thật!
Dương lại dành cho lão Hâm một bất ngờ mới: vừa đi cô vừa nói về thi ca Việt nam đương đại. Người đàn bà trẻ cống hiến hết thời gian cho việc kinh doanh mà lại yêu thơ! Cô ta đọc thơ vào lúc nào nhỉ?
Đặc biệt nhất là nhận xét của Dương về thơ Việt nam: nó nặng tình mà ít lý. Thơ Việt nam hiện đại rất ít chất triết lý, nó giãi bày tình cảm con người nhiều hơn là suy nghĩ của con người.
Lão Hâm không tranh luận với cô bé, lão nghĩ mình không đủ tư cách để tranh luận, song những suy nghĩ của cô bé quả thật là rất thú vị.
Tản bộ khoảng một giờ, hai người quay về khách sạn. Trước của phòng cô bé, lão Hâm chúc cô ngủ ngon rồi định chia tay. Dương lại tạo ra bất ngờ, luôn luôn bất ngờ:
- Không đâu lão! Lão tắm đi, nửa giờ nữa cháu sẽ điện thoại cho lão.
Đến đây thì lão Hâm hoàn toàn không hiểu những gì đang xảy ra. Lão tắm táp, thay đồ và chờ điện thoại.
Nửa giờ sau Dương gọi vào di động cho lão Hâm, nói sẽ sang phòng lão, hễ nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ là lão phải mở cửa phòng ngay.
Lão Hâm là người từng trải vậy mà bây giờ hoàn toàn mất hết phương hướng. Có hai tiếng cạch rất nhỏ vào cánh cửa, lão Hâm vội mở cửa phòng. Dương xinh xắn và dịu dàng trong bộ đồ ngủ, nách cắp cái laptop, tay xách ví đầm:
- Nếu lão muốn cháu ngủ ngon thì tối nay cháu ngủ phòng này.
- ???
- Còn lão sang phòng cháu ngủ. À, lão cứ nghe điện thoại nếu có ai gọi, nhưng kô được nói gì nhé! Mai lão kể lại cho cháu nghe.
Không hiểu mô tê gì nhưng trước cách giải quyết công việc quyết đoán và dứt khoát của Dương, lão Hâm cũng đành ngoan ngoãn mang theo vài thứ cần thiết, cầm chìa khóa phòng Dương rồi nhẹ nhàng đi sang đó.
 x
x   x
Mới thiu thiu ngủ được khoảng một giờ thì chuông điện thoại khách sạn vang lên. Lão Hâm không nhấc máy. Năm phút sau người ta lại gọi. Chờ cho chuông đổ đúng năm hồi, lão Hâm mới nhấc máy, không nói gì theo đúng lời dặn của Dương. Phía đầu dây bên kia chắc hẳn chỉ nghe thấy tiếng thở nhè nhẹ của lão và tiếng lão cựa mình.
- Anh biết là em đi Hạ Long và anh biết cách tìm ra em ở đâu, mặc dù em tắt di động. Em không muốn nói chuyện với anh cũng được, xin em đừng cúp máy, hãy nghe anh nói...
Liệu có nên chép vào đây những lời tỏ tình tha thiết và kiên nhẫn của chàng trai bên kia đầu giây không nhỉ? Chắc là không rồi.
Khoảng hơn một giờ sau là cú điện thoại khác, của một người khác, lần này từ Mỹ, nói tiếng Anh, đại ý là người ta đã mail báo giá cho Dương nhưng chưa nhận được trả lời, gọi về công ty Dương mới được biết số điện thoại này, đề nghị kiểm tra mail và sớm trả lời.
Và còn vài ba cú điện thoại khác nữa.
Ngày hôm sau, tại bàn ăn sáng, Dương nháy mắt với lão Hâm:
- Hy vọng là tối qua lão ngủ ngon?
- Ngủ ngon lắm, cảm ơn cháu!
Hết đợt công tác, Dương kín đáo trao cho lão Hâm chiếc phong bì, lão Hâm mở ra xem thấy có bốn tờ một trăm đô la. Lão ngước mắt hỏi Dương, Dương cười láu lỉnh:
- Một trăm đô la nữa cho một đêm ngon giấc của lão!
Đứa chắt của bà cụ bán dưa là thế đấy. Thế hệ thanh niên bây giờ có vừa hồng vừa chuyên không nhỉ?

1 nhận xét:

  1. truyen hay.
    thank tác gia
    toi se thăm thuong xuyen

    thanh su

    www.Ingesco.blogspot.com
    www.livalapcx070.blogspot.com
    www.livalap.blogspot.com
    www.livalivaliva.blogspot.com
    www.West.edu.vn
    www.DuHocMyWest.wordpress.com

    Trả lờiXóa