Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

10. Thơ Cành Cạch!


Trần là họ của nhà thơ, Cành Cạch là ông ta thêm vào để tạo ra bút danh ấn tượng. Mở trang thơ của tờ báo nào đó, độc giả chắc chắn sẽ bị thôi miên ngay lập tức bởi cái tên Cành Cạch độc đáo, có một không hai kia.
Lượng người đọc nhiều, nhà thơ trở nên nổi tiếng. Danh tiếng của nhà thơ được đong đếm bằng lượng người đọc, điều này đơn giản như chân lý, không ai có thể bàn cãi.


Tuy vậy, không người nào biết được "chuyện bếp núc" của nhà thơ Trần Cành Cạch là như thế nào. Thường thì các nhà thơ viết ra được câu thơ là nhờ có cảm hứng sáng tác bay bổng được kích thích bởi một hình ảnh, một quang cảnh, một giai điệu hay một cái gì đó, thậm chí có nhà thơ nổi cơn ma tuý sáng tạo nhờ một mùi vị, một màu sắc nào đó để rồi thể hiện một suy nghĩ đậm đặc (như ly cà phê) hay một tình cảm nồng nàn (như ly cô-nhắc) trong bài thơ của mình.
Nhà thơ Trần Cành Cạnh hoàn toàn không giống các nhà thơ bình thường, ông là nhà thơ đặc biệt. Nghe thấy tiếng suối róc rách, ông ta không nẩy ra được ý thơ. Ngắm chiều tà hoàng hôn buông tím, ông ta cũng trơ như đá, không thấy trong lòng nôn nao một nhu cầu mãnh liệt phải kiếm mẩu giấy, viết vội dăm câu thơ chợt hiện ra trong đầu...
Ông Trần Cành Cạch làm thơ được là nhờ có tiếng gõ cành cạch của nhà hàng xóm.
Trong thành phố các nhà hầu hết là liền kề, nhà nọ giáp tường vào nhà kia, nhà này có người đi guốc hơi mạnh chân, nhà kia nghe thấy rõ mồn một.
Hễ nhà hàng xóm phát ra tiếng cạch, bên này ông Trần Cành Cạch viết được một chữ.
Ví dụ bên kia cạch một cái, bên này nhà thơ viết được chữ "Anh" rồi ngồi đợi cho đến khi bên kia gõ tiếp, không cần biết là gõ cái gì, đóng đinh treo màn hay chặt quả dừa.
Bên kia cạch hai cái, nhà thơ viết thêm được hai chữ "nhớ em".
Cạch cái nữa, nhà thơ có được bốn chữ: "Anh nhớ em nhiều".
Hôm nào hàng xóm đi vắng là y như rằng Trần Cành Cạch không ra được thơ. Nói chung dăm hôm thì ông cũng kiếm được một bài, dài ngắn tuỳ thuộc số lần cành cạch của hàng xóm. Bài thơ Nhớ em toàn văn như sau:
"Anh nhớ em nhiều lắm
Sáng trưa và tới chiều
Đến nửa đêm vắng lặng
Anh vẫn nhớ em yêu
"
Bạn đọc hẳn đã đoán ra là nửa đêm hôm trước bên nhà hàng xóm người ta hì hục làm cái gì đó phát ra tiếng động vang sang tận nhà ông Trần Cành Cạch.
Mọi việc cứ thế mà tiếp diễn, nhà thơ thân mến của chúng ta sản xuất được vài trăm bài thơ, tên tuổi nổi như cồn.
Đến một ngày nọ, người ta thấy ông chạy ra cổng, hối hả bấm chuông nhà hàng xóm, miệng méo xệch van nài:
- Ông bà ơi, làm ơn cành cạch từ từ thôi, tôi viết thơ không kịp! Vả lại tôi chưa có ý định viết trường ca!
Đồng chí hàng xóm không hiểu môn khoai gì, tưởng ông nhà thơ chửi khéo. Mấy bố văn nghệ sỹ là có kiểu chửi văn minh tinh tế chứ không thô thiển như dân thường. Ông hàng xóm vào bếp, thấy vợ đăng băm thịt, mắng:
- Bu mày lấy miếng mút cao su lót dưới cái thớt để khỏi làm ồn hàng xóm! Ông ta đang réo ngoài cổng đấy!
May mà bà vợ này ngoan, chả bao giờ cãi lại chồng, bà kiếm vật liệu giảm âm lót ngay xuống dưới cái thớt.
Từ bấy đến nay, nhà hàng xóm động đậy gì cũng nhẹ nhàng rón rén, sợ gây ảnh hưởng làm mất hứng sáng tác của nhà thơ Trần Cành Cạch.
Họ có biết đâu rằng chính vì thiếu tiếng cành cạch của họ mà nhà thơ nhớn của chúng ta cạch không viết được câu thơ nào nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét