Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Thăm cụ Tiên Điền



Cách đây hơn hai tháng, biết tính lão Hâm thích ngao du vì cung Thiên di trong lá số Tử Vi của lão có Hỉ Thần vượng địa, ông bạn nhà thơ rủ lão Hâm đi Hà Tĩnh chơi vài ngày. "Chơi thôi, nhân tiện rẽ vào thắp hương cụ Nguyễn Du" - ông bạn giải thích thế.


Lên xe đi được một đoạn, lão Hâm mới biết mục đích chuyến đi không những chỉ là thắp hương cho cụ Nguyễn Du mà còn cầu xin cụ cho ông bạn nhà thơ cuối năm nay được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt nam.
Ông bạn làm thơ cũng tàm tạm, in ra vài dăm cuốn rồi. Ở Việt nam có ít nhất ba vạn chín ngàn người có thể làm thơ tương đương ông ta, song hội viên Hội Nhà văn chỉ có dăm bảy trăm người. Oai lắm, vinh dự lắm, xênh xang lắm, cái danh hiệu hội viên ấy!
Nghĩ cũng buồn cười, cái nước nông nghiệp hơn 80% dân số là nông dân mà chả thấy ông nông dân nào chạy chọt để được vào Hội Nông dân? Chắc là vì các cụ thường dạy "Nhất sĩ nhì nông"?
Xe chạy đến Nghi Xuân cũng đã xế chiều. Ông nhà thơ bưng ra bày đầy một mâm lễ vật, có bia Heineken ngoại nhập, Vodka Putinka, thuốc lá 3 số 5, vàng mã và đô-la âm phủ... Vừa bày biện ông vừa lẩm bẩm khoe với lão Hâm: "Chả đâu có nhang thơm và cháy đều như hương bán trên Hàng Mã ông ạ!"
Ông nhà thơ chắp tay vái lạy, kính cẩn xin rõ to, chắc là sợ cụ Nguyễn Du lãng tai không nghe thấy:
- Xin Ngài gia ân gia phúc cho con cuối năm nay được kết nạp vào Hội Nhà văn. Được kết nạp rồi con sẽ xin hậu tạ nghiêm chỉnh.
Lão Hâm đứng chầu rìa, mặt làm ra vẻ nghiêm nghị nhưng bụng thì cười thầm: Thời cụ Nguyễn Du đâu có xài bia Hà lan, rượu Nga và thuốc lá Anh? Kiểu này sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn xong, ông "Nhà thơ - Hội viên Hội Nhà văn" kia sẽ quay lại đây cúng một cái iphone đời cuối, một dàn điều hòa nhiệt độ Toshiba có khử mùi. He he, chỉ vài ngày sau là cụ Nguyễn Du báo mộng bảo mày gửi thêm cho tao một máy phát điện và một trạm phát sóng đi động?
Xong các thủ tục cúng bái, ông bạn nhà thơ, tạm thời chưa phải hội viên Hội Nhà văn, giục lão Hâm:
- Ông thắp hương cho cụ đi!
Lão Hâm đốt ba nén nhang, lầm rầm:
- Hôm nay con vào đây xin được mừng cho cụ. Cụ từng trăn trở: "Ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như?". Người khóc thương cụ cũng đã nhiều, hôm nay con không khóc mà là vui mừng. Vui mừng là vì nếu cụ sống vào thời nay, Truyện Kiều chưa chắc đã được xuất bản. Này nhé, cụ viết: " Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, rồi cụ lại viết "Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong". Những câu này quá ư nhạy cảm, rất dễ bị bọn phản động trong và ngoài nước lợi dụng! Khó xuất bản lắm cụ ạ.
Và rồi nếu có xin được giấy phép xuất bản, chắc gì cụ đã tiêu thụ được vì bây giờ nếu không thông qua hệ thống đầu nậu là sách không thể nào bán nổi. Không ai biết đến tác phẩm thì tác giả không thể nổi tiếng. Không nổi tiếng thì làm sao mà thành đại thi hào dân tộc?
Vì vậy con xin chia vui với cụ. Mong cụ nhận cho con ba vái!
Lão Hâm ba láo ba toét thế mà bỗng nhiên cụ Nguyễn Du hiện về. Cụ cười rất hiền hậu, nói giọng Hà Tĩnh cổ xưa hơi khó nghe:
- Ta không bắt tội ngươi ăn nói hàm hồ vì tuy lời lẽ có đôi chút thiếu tế nhị nhưng lòng dạ lại thẳng thắn. Ta chỉ muốn ngươi nói lại với người bạn đi cùng là ta không thể giúp hắn vào Hội Nhà văn được đâu. Không phải là ta không muốn giúp mà bởi lực bất tòng tâm. Ta là người cổ lỗ, không có quan hệ thân tình, không đi lại chơi bời với mấy ông có quyền quyết định việc đó. Ta chỉ có thể cho hắn lời khuyên như ta đã viết và ngươi cũng vừa nhắc lại: "Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong". Bảo hắn cứ theo đó mà làm.
Lão Hâm sợ toát mồ hôi, ngoái sang ông bạn, thấy ông này mặt vẫn không chút biến sắc. À, phải rồi, cụ Tiên Điền hiện lên nói chuyện với lão chứ gã kia thì không trông thấy và không nghe được cụ.
Hôm nay ngồi viết lại câu chuyện này, sau khi nghe tin nhà văn Nguyên Ngọc xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông ấy không giải thích lý do, mà cần gì phải giải thích.
Từ đứa bé đi học mẫu giáo cho đến cụ già móm mém sắp chầu trời, ai mà không thích giải thưởng, không thích danh hiệu cao quý? Nhưng nếu đã có không chỉ một người từ chối giải thưởng thì có nghĩa là quy trình xem xét, cách thức xem xét và kết quả xem xét để trao giải là có nhiều bất cập.
Ngẫm lại, thời cụ Nguyễn Du cũng có cái hay của nó?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét