Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

5. Nỗi buồn trung du


11g30. Sếp gọi điện nhờ lão Hâm lên Phú Thọ viếng đám ma bố vợ một vị đối tác. Lão về hưu rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn phải làm một vài việc mang tính chất "quan hệ cộng đồng" như thế. Giọng sếp nhẹ nhàng nhưng không chừa chỗ cho sự từ chối:
- Em đã nói Văn phòng lo vòng hoa và phong bì rồi, 20 phút nữa xe sẽ qua đón anh.
Vội vàng mặc bộ quần áo tạm gọi là nghiêm chỉnh, nhét vội cái bánh mì vào dạ dày, lão Hâm ra đầu ngõ chờ xe. Hà nội cả tháng trời nóng, mấy hôm nay mưa liu riu, đường sá nhớp nháp và và lòng nguời trở nên hiu hiu buồn. Nhiều khi có cái buồn vô cớ, buồn không giải thích được là vì sao.
Thấy chú lái xe rẽ về phía đường Hoà Lạc, lão hỏi không đi đường Vĩnh Yên à, chú ấy bảo đi đường Trung Hà nhanh hơn, đường qua Vĩnh Yên không tốt bằng. Thế anh muốn rẽ vào Vĩnh Yên có việc gì à? Không, có việc gì đâu, lão ậm ừ trả lời, mặc dù nhớ là đã hứa lên thăm một người quen ở Vĩnh Yên.
Con đường lên Hoà Lạc chưa đầy 30km, mở rộng mấy năm nay vẫn chưa xong, ngổn ngang sỏi đá, bùn bắn mờ hết kính xe. Lão lặng lẽ nhìn ra hai bên đường lổn nhổn những công trình đã hoàn tất chen lẫn những công trình đang thi công. Không thấy có cảm xúc gì đặc biệt.
Xe rẽ vào đường đi Trung Hà. Vẫn trong địa phận Hà nội. Thấy lão Hâm ít nói khác hẳn thường ngày, chú lái xe kiếm chuyện pha trò:
- Đố anh biết đám lái xe bọn em đi ở khúc Hà nội mới này thì sợ cái gì nhất?
- Sợ cảnh sát bắn tốc độ, lão trả lời không suy nghĩ.
- Sai rồi, mình đi chậm thì không sợ cảnh sát.
- Vậy sợ gì?
- Sợ bò quên dép.
- ?...
Chú lái xe cười, chưa giải thích vội mà chỉ cho lão thấy một chú bò đang chậm rãi đi qua đường. Nó chậm rãi, không thèm để ý gì đến xung quanh, trông rất giống một nhà hiền triết đang đắm chìm trong suy tư. Đó là nói con bò có dáng hiền triết, xin đừng suy luận ngược lại là các nhà hiền triết trông giống con bò.
- Bọn em sợ nhất là con bò ra đến giữa đường thì sực nhớ là mình quên dép, quay ngoắt trở lại. Thế là... cả cơ quan hôm sau phải ăn thịt bò! Chú lái xe cười he he, tự thưởng cho câu nói đùa của mình.
Nhận thấy câu nói đùa đó không mảy may làm cho anh già về hưu vui lên, chú lái xe mở đĩa CD, trúng ngay bài "Chị tôi" của Trần Tiến: "...chị tôi chưa lấy chồng! ...chị tôi chưa lấy chồng! ". Buồn nẫu ruột.
  Xe chạy dọc đê. Người ta đánh rơm từng đống trên đê, làm cho con đường chật lại và xe phải chạy ngoằn ngèo chữ chi.
Tìm được địa điểm đám ma là 2 giờ chiều, đúng giờ động quan, nghĩa là đưa quan tài ra xe để đem đi chôn. Gia quyến khóc ào lên như dàn hợp xướng tuân theo sự chỉ huy của nhạc trưởng. Chen lấn đến gần đám người nhà đi theo linh cữu, lão giơ tay chào vị đối tác kia, ngụ ý báo công ty tớ có lên dự đám ma đấy nhé. Thực ra đi đám ma là để làm vừa lòng người sống chứ người chết thì còn biết gì nữa?
Coi như hoàn thành nhiệm vụ, lão rời đám ma, nói chú lái xe đi chầm chậm một vòng thành phố trung du. Lão lên Phú Thọ lần đầu năm 1962, thăm chú thím. Cô em họ cùng tuổi, ngày ấy xinh xắn, bây giờ đã là một bà về hưu sống ở Đà Nẵng, ốm đau quặt quẹo. Nghĩ mà buồn.
Những dãy phố ở thành phố trung du mà giống y như ở Hà nội, bề ngang mấy thước, dài hun hút ra sau, gọi là nhà ống. Khổ, bao giờ mới hết hiện tượng di căn nhà ống đi khắp mọi miền đất nước?
Không thấy rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt, không thấy cô sơn nữ nào cả, khả dĩ để mình thầm cất lên tiếng hát: "Sơn nữ ơi, làm chi cho đớn đau lòng phiêu bạt thời gian để thương để nhớ...?"
Xét cái mặt khó đăm đăm của lão, chú lái xe không dám đề xuất chuyện kiếm chỗ ăn trưa. Tuy vậy, lòng vả cũng như lòng sung, cái bánh mì một phần bột mì thì hai phần bột nở đã đi vào quên lãng từ lâu trong dạ dày. Họ ghé vào một quán ăn bên đường, kiếm cái gì đó để giải quyết nỗi lòng. Bà chủ quán người xồn xồn, tuổi cũng xồn xồn, tươi cười chào đón, không rõ là hai vị khách thứ năm hay thứ sáu trong ngày. Chú lái xe theo thói quen nghề nghiệp, buông lời lả lơi:

- Bà chủ sống có một mình thôi à?
- Chồng em đi công tác mười ngày rồi. Nữ chủ quán cười hí hí, rất chi là ngụ ý, tay vẫn chặt thịt đều đặn.

Buồn nhỉ, không hiểu vì sao nghe thế lại buồn?
Ăn xong, lại lên xe, lầm lũi về Hà nội.
Đoạn Mỹ Đình đường rất rộng, thế mà vẫn ùn tắc. Chú lái xe lầu bầu tự giải thích: "Giờ cao điểm!". Mấy vị cảnh sát giao thông đứng ven đường, nghiêm túc thực hiện vai trò quan sát viên của mình.
Nhìn đám xe bốn bánh và hai bánh chen lấn, chèn ép nhau, lão chợt phát hiện ra quy luật giao thông ở Việt nam: "Mình chèn mọi người, mọi người chèn mình!"
 Chú lái xe lại tự nói: "Kiểu này lát nữa là phải rửa xe ngay!", chắc là chú ấy chán nói chuyện với lão rồi. Kể cũng tội, lão về nhà nằm nghỉ, còn chú ấy phải đánh xe đi rửa, đưa về ga ra rồi lấy xe máy chen lấn hơn mười cây số mới về được đến nhà.
Lão về đến nhà thì lại mất điện. Tối thui. Mưa liu riu lắc rắc. Loa truyền thanh phường vẫn oang oang như thường lệ. Con bé hàng xóm học xong đại học chưa xin được việc làm, rất tích cực làm phát loa viên, tuy nhiều từ vẫn nói ngọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét