Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Đội cái giả vờ!


Tại Việt Nam, sau nhiều tranh luận sôi nổi, từ ngày 15 tháng 12 năm 2007 việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô xe máy trên mọi tuyến đường đã trở thành bắt buộc theo luật định.
Với một quốc gia mà:
- Xe hai bánh vẫn là phương tiện giao thông phổ biến,
- Phương tiện này lại cùng tham gia lẫn lộn với các loại phương tiện khác trên cùng một làn đường,
- Ý thức tuân thủ luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông vô cùng kém,

thì việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm là hoàn toàn đúng đắn.

Cuối năm 2007, nhiều cơ quan, đoàn thể, công ty đã trích kinh phí để trang bị mũ bảo hiểm cho công nhân viên của mình. Người dân thì tự trang bị. Giá mũ bảo hiểm lúc đó khoảng vài ba trăm ngàn đồng một chiếc.
Bây giờ người dân tham gia giao thông đều đã đội mũ bảo hiểm, trừ vài trường hợp sau:
alt
và đặc biệt thú vị là:
alt
Nhà lão Hâm chỉ có ba người nhưng có tới 7 chiếc mũ bảo hiểm. Lúc đầu nhu cầu là ba cái. Sau phải mua thêm một cái để khi phải đưa khách phương xa đi thăm phố phường Hà Nội thì có mà dùng.
Rồi đôi ba lần trời mưa, mặc áo mưa liền mũ lưỡi trai nên cảm giác như đã đội mũ bảo hiểm. Ra đến đầu ngõ có người nhắc giúp cho, thế là tạt vào vỉa hè mua cái mũ nhẹ hều giá chỉ 30 đến 40 ngàn đồng. Còn rẻ hơn bị cảnh sát giao thông phạt. Mà tự dưng lại có thêm cái mũ!
alt(Ảnh vnexpress)
Vì thế nhà lão có tới 7 cái.
Điều đáng nói ở đây là cái mũ rẻ tiền ấy chỉ là để đối phó với cảnh sát giao thông chứ tác dụng bảo vệ bộ phận đầu sỏ của con người thì rất đáng nghi ngờ.
alt
(Ảnh Việt Báo)

Nó nhẹ và mỏng. Nó che không hết phần đầu.
Và nó rẻ thế thì khó mà nói là nó được sản xuất từ các loại nhựa tổng hợp như ABS, HDPE hoặc sợi Carbon.
Rồi lão tìm đọc về đề tài này.
Theo vnexpress (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/08/mu-bao-hiem-sieu-re-tran-lan-tren-pho/) "Những chiếc mũ bảo hiểm kiểu dáng thời trang nhưng giá chỉ 30.000 đến 80.000 đồng đang được bày bán tràn ngập đường phố Hà Nội. Tất cả đều không có tem kiểm định và làm từ nhựa tái chế."
"Theo một người bán hàng, mũ được nhập từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, các hộ gia đình cũng có thể tự sản xuất từ vật liệu là rác phế thải, nhựa tái chế... hoặc các đầu nậu chuyên cung cấp vật liệu sản xuất mũ bảo hiểm. Giá thành phẩm của một chiếc mũ bảo hiểm này khi đưa ra thị trường chỉ 10.000- 20.000 đồng một chiếc tùy loại."
Tìm trên mạng, lão Hâm thấy có cái quảng cáo sau:
alt
Mười ba ngàn đồng một cái bảo vệ đầu, bằng nửa bát phở. Quá rẻ!
Xem lại Tiểu chuẩn Việt Nam về mũ bảo hiểm (TCVN 5756 2001) thì kết cấu mũ bảo hiểm phải là:
alt
Nếu vậy thì hầu hết các mũ bảo hiểm lưu hành hiện nay là không đạt tiêu chuẩn.
Điều này rõ rành rành. Cơ quan quản lý có biết không? - Biết. Cảnh sát giao thông thấy không? - Thấy. Báo chí viết không? - Viết rồi mà. Dân chúng biết không? - Quá biết!
Vậy vì sao hiện tượng sản xuất, lưu thông và sử dụng mũ bảo hiểm "giả vờ" vẫn cứ nhơn nhơn tồn tại?
Xin thưa rằng là vì chúng ta quá quen với cái sự nói thật làm giả.
Chúng ta, người Việt nam, có thói quen làm giả vờ? Nhiều quy định, luật lệ này kia nghe rất đúng đắn hay ho. Còn thực hiện thì... chiếu lệ, phiên phiến?
Không nên trách dân hay giả vờ. Dân giả vờ là vì quan còn giả vờ nhiều hơn.
Hình ảnh đội chiếc mũ bảo hiểm rởm nói lên rằng chúng ta thích đội cái giả vờ lên đầu!
*
*   *
Giống như bất kỳ người Việt nam nào, lão Hâm nghĩ ngay một sáng kiến nhằm thoát ra khỏi thực tế khách quan đáng buồn.
Đó là lão sẽ mở quán bán bánh đa, trong Nam gọi là bánh tráng. Cái bánh hình chiếc mũ bảo hiểm. Khách mua xong, đội lên đầu, giữa mùa hè chạy xe dưới cái nắng chói chang, về đến nhà là bánh vừa được nướng chín. Khỏi phải mất công nướng, khỏi tốn than tốn củi? Tha hồ đông khách mua hàng của lão.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét